Trường chuyên đưa bài thơ tìm mẹ của Anh Đức vào đề thi học kỳ

Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) đã chọn bài thơ "Mẹ đâu? Mẹ đâu?" viết về cầu thủ Anh Đức làm ngữ liệu của đề thi học kỳ I môn Ngữ văn lớp 11.

Hình ảnh cầu thủ Quang Hải bị thương vào đề thi môn hóa học

Cầu thủ Anh Đức: Hình ảnh tìm mẹ vào thơ Nồng Nàn Phố là động lực lớn

'Mẹ đâu, Mẹ đâu?' của người hùng Anh Đức thành tên bài thơ

Trường chuyên đưa bài thơ tìm mẹ của Anh Đức vào đề thi học  kỳ
Ảnh:Đề thi học kỳ

Trong trận chung kết lượt về giải AFF Suzuki Cup 2018 giữa tuyển Việt Nam và Malaysia, tiền đạo Anh Đức đã ghi thắng duy nhất. Sau khi kết thúc trận đấu, cầu thủ này chạy đi tìm người thân và không ngớt gọi "Mẹ đâu? Mẹ đâu?". Hành động này của Anh Đức được ghi lại khiến nhiều người xúc động. Bài thơ của Phạm Thiên Ý ra đời từ hoàn cảnh này.

Bài thơ như sau:

Mẹ đâu? Mẹ đâu?...

(Tặng Anh Đức và đồng đội)

Mẹ ơi... trưởng thành gần nửa đời người
Hôm nay tự hào mang vinh quang về tặng mẹ
Đây là những người anh em ... họ đã tột cùng kiên cường mạnh mẽ
Chiến đấu vì màu cờ sắc áo cùng con

Mai trở về nhà cho thỏa chờ đợi mỏi mòn
Dẫu thành anh hùng tụi con vẫn là thằng trẻ ranh thương cha nhớ mẹ
Vẫn là đứa nhem nhuốc luống cày thèm canh cua nấu khế
Thèm nằm thênh thang ngoài hiên ngắm gió véo hoa cười

Biết cảm ơn mẹ cha bao nhiêu cho đủ trời ơi
Phải tạ ơn quê hương, nước non, đồng bào bao lâu mới phải
Nhìn mắt mẹ long lanh nhìn dòng người rực màu lửa cháy
Bao hùng dũng chiến binh trong con mềm yếu đến buồn cười!

Ngày mai lại xin trở về với cuộc sống bình thường thôi
Con chẳng dám làm anh hùng trong mắt mẹ
Chỉ xin bé nhỏ làm con chim sẻ
Đậu ngay trước hiên ngắm mẹ thái rau bầu

Mang huy chương về đặt vào tay mẹ và chẳng muốn đi đâu
Xin lười biếng nốt hôm nay ngày mai đồng đội cùng con lại tiếp tục tập luyện
Máu mồ hôi nước mắt tụi con dành rất nhiều cho trận chiến
Mà chưa một lần ... dành riêng cho mẹ... mẹ ơi!

Trưởng thành gần nửa đời người
Nay vinh dự cho con mang thằng anh hùng về trả mẹ!

Nồng Nàn Phố (Phạm Thiên Ý)

Đề thi học kỳ của Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển yêu cầu học sinh đọc bài thơ và trả lời các câu hỏi:

"- Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

 

- Vì sao khi giành được vinh quang người con lại muốn trở về nhà?

- Anh chị có đồng tình với quan điểm của tác giả "Con chẳng muốn làm anh hùng trong mắt mẹ?

- Thông điệp mà anh chị nhận được từ bài thơ?".

Sau khi biết bài thơ của mình được dùng làm đề thi Ngữ văn, nhà thơ Phạm Thiên Ý chia sẻ: "Tôi rất vui khi Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, Cà Mau đã đưa bài thơ này vào đề thi học kỳ. Tôi nghĩ, việc này đã bắt kịp được đời sống thời sự, các thầy cô đã giúp học sinh không xa rời cuộc sống hiện tại. Việc đưa bài thơ vào đề thi học kỳ cũng là vinh dự của riêng tôi".

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thể, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, là người ra đề thi. Theo thầy Thể, nhiều người khi thành công, nhận được sự chúc mừng của mọi người sẽ quên đi những yếu tố phía sau lưng góp nên thành công của mình, đặc biệt là gia đình. Trong khi đó, yếu tố gia đình là nền tảng ban đầu, xuyên suốt bền chặt đối với mỗi người.

"Dù thành công hay thất thất bại thì rồi ai cũng phải về với gia đình. Vì vậy, chúng tôi đưa bài thơ này vào đề thi để các em thấy được vai trò của gia đình, vai trò của người mẹ. Ngoài ra, trong bài thơ có câu "Con chẳng dám làm anh hùng trong mắt mẹ" để nhắc nhở con người luôn phải đứng trên mặt đất, đừng quên đi những giá trị này".

Trước câu hỏi "Việc đưa bài thơ này vào đề thi có "ăn theo" thời sự quá không?", thầy Thể cho rằng đây là xu hướng của các trường trên cả nước. 

"Tôi cho rằng việc lạm dụng thời sự khi ra đề là có. Tôi cũng không đồng ý nếu đó là những vấn đề vụn vặt. Nhưng nếu đề thi chọn được một vấn đề nào đó có giá trị thì cũng rất cần thiết.

"Trong bài thơ "Mẹ đâu? Mẹ đâu?" có hai ý tôi rất thích. Thứ nhất, trong trận đấu Anh Đức giống như một nguời hùng và lúc này đã có chị gái xuống chúc mừng, nhưng cầu thủ này vẫn tìm mẹ - là cội nguồn của anh ấy. Ngoài ra, khi thành công, Anh Đức cũng không quên đi đồng đội của mình. Đó là những điều tốt đẹp mà đề thi muốn hướng tới" - thầy Thể nhấn mạnh.

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng cần phải xác định rõ là đề nghị luận xã hội cập nhật hay bất cập.

Những đề thi yêu cầu học sinh luận bàn về các hiện tượng có thật của đời sống xã hội ngày càng trở nên quen thuộc, đem lại sự hứng thú cho thí sinh, góp phần đưa văn chương tới gần với cuộc sống, giảm thiểu khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế.

Tuy nhiên, đề thi trong nhà trường dành cho đối tượng học trò, do đó bên cạnh yêu cầu cập nhật cuộc sống đương đại, vẫn đặc biệt cần tính chuẩn mực và sự cẩn trọng khi chọn ngữ liệu, xác định vấn đề nghị luận… để đề thi đảm bảo các yêu cầu về nhận thức, giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ.

Trao đổi với VietNamNet, một số giáo viên băn khoăn: Về lựa chọn ngữ liệu: Có đủ độ tin cậy về độ chuẩn của nội dung và hình thức khi có những câu, ý khá cũ kĩ, thô vụng? Bài thơ rất mới, đặt ra vấn đề có ý nghĩa và cảm xúc chân thành nhưng đã có sự chau chuốt, lọc đãi cẩn trọng của chính tác giả và bạn đọc có chuyên môn để xứng đáng là ngữ liệu chuẩn chưa?

Còn về yêu cầu Đọc hiểu thì câu số 2 khá mơ hồ về đối tượng hỏi, cần xác định rõ vì sao theo quan điểm của tác giả hay của học sinh. Ở câu số 4, học sinh nêu 1 thông điệp hay nhiều thông điệp?

Hiện nay có một số đề thi học kỳ đang lấy ngữ liệu từ kết quả các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại giải AFF cup, với mục tiêu "đưa sự gần gũi của đời sống vào đề thi, tạo hứng thú cho học sinh". Tuy nhiên, một số chuyên gia đã cảnh báo nếu không lựa chọn ngữ liệu kỹ lưỡng, hoặc đặt yêu cầu "ào ào", thì đây sẽ là phong trào làm mất chất văn của các đề thi.

Lê Huyền - Song Nguyên

 

Comments