Sôi động những thương vụ bạc tỉ chuyển nhượng trường đại học

- Nhiều tập đoàn đang nắm trong tay ít nhất 2 trường đại học, thậm chí tới 4- 5 trường đại học chưa kể các trường ở cấp học khác. Nhiều vụ chuyển nhượng mua bán lên tới hàng trăm tỷ đồng để sở hữu một trường đại học.

Những cuộc chuyển nhượng hàng trăm tỷ

Vừa qua, tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng đã xác nhận mua thành công Trường ĐH Hoa Sen. Phía Nguyễn Hoàng cho biết, một số cổ đông của trường này đã tiếp cận tập đoàn này với mong muốn chuyển nhượng lại cổ phần của họ. Tập đoàn Nguyễn Hoàng chưa xác định số lượng cổ phần mua được là bao nhiêu do quá trình đàm phán riêng rẽ với cổ đông hiện hữu, tỷ lệ cổ phần mua được tùy thuộc vào việc chuyển nhượng lại của các cổ đông. Trên thực tế Nguyễn Hoàng đã nắm trong tay hơn 51% số cổ phần và sẽ nắm quyền lãnh đạo trường ĐH Hoa Sen.

Còn công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech do ông Kiều Xuân Hùng làm giám đốc hiện đang sở hữu hai trường đại học tư thục lớn là Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM với quy mô hàng chục ngàn sinh viên. Được biết, cái giá để ông Kiều Xuân Hùng và các cổ đông công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech có được Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là hơn 100 tỷ đồng.

Trước Trường ĐH Hoa Sen, Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng mua thành công Trường ĐH Gia Định với giá khoảng 100 tỷ đồng. Sau khi  chuyển nhượng, trường đại học này vừa được cải tổ lãnh đạo. Ông Hà Hữu Phúc, nguyên Vụ trưởng Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT về làm hiệu trưởng; ông Thái Bá Cần, từng là hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng là chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Trước đó, tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng sở hữu Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với giá trị khoảng 500 tỷ đồng và Trường ĐH Bà Rịa Vũng Tàu. Chưa kể một hệ thống các trường quốc tế Bắc Mỹ từ mầm non, tới THPT ở TP.HCM và các tỉnh lân cận với phương châm "vào mầm non, ra tiến sĩ".

Hiện tại, Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch cũng đang sở hữu hai trường là Trường ĐH Yersin (Đà Lạt) và Trường CĐ Công nghệ và Quản trị Sonadezi (Đồng Nai). Chưa kể, tập đoàn này còn có hệ thống các trường từ mầm non tới đại học.

Cách đây 6 năm, công ty phát triển Hùng Hậu ký kết thỏa thuận đầu tư vào Trường ĐH Văn Hiến nhưng thực chất là mua lại trường này với giá 75 tỷ. Trong đó 40 tỷ đồng thoái vốn cho các tổ chức góp vốn trước đó và 35 tỷ đồng ghi nhận và xác định công sức đóng góp của tập thể cán bộ giảng viên trường này. Hiện tại, ngoài Trường ĐH Văn Hiến. Tập đoàn Hùng Hậu cũng sở hữu các trường:Trường CĐ Vạn Xuân, Trường Trung cấp Vạn Tường, Trường Trung cấp Vạn Hạnh.

Những "ông lớn" thâu tóm giáo dục ngoài những công ty, tập đoàn bao gồm cả cá nhân. Hiện tại ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn đang cùng lúc sở hữu 3 trường khác là Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM, Trường CĐ Công nghệ và Kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng) và trung cấp Đại Việt Cần Thơ. Hay 2 chị em Đặng Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn Tân Tạo và ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cùng sở hữu hai trường đại học. Trong đó, ông Tâm sở hữu Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM; Bà Yến sở hữu Trường ĐH Tân Tạo.

Vì sao việc mua bán trường rầm rộ?

Theo Nghị định 46 năm 2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong đó quy định rõ điều kiện hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục ban hành năm 2017, để mở một trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường); vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản; đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

 

Hiệu trưởng một trường đại học ở TP.HCM, cho rằng sở dĩ việc mua bán chuyển nhượng trường tư đang diễn ra rầm rộ vì mua cũ sẽ dễ hơn mở mới. Nếu mở trường một trường đại học, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra một con số không nhỏ để đáp ứng đủ yêu cầu, trong khi đó mua lại thì con số này chưa tới 1/10 điều kiện.

Còn theo ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có 2 lý do dẫn tới việc mua bán, sáp nhập các trường đại học ngoài tư thục sôi động.

Thứ nhất, theo xu hướng các nhà đầu tư đã quan tâm tới việc đầu tư vào giáo dục- đây là điều tốt. Thứ hai, nhiều trường ngoài công lập hiện nay rất khó khăn, chủ yếu do sự thay đổi về thị hiếu của người học nên phải kéo nhà đầu tư vào. Khi các nhà đầu tư, đầu tư vào trường với mức cao, thì coi như nhà đầu tư này làm chủ nhà trường và gọi nôm na là "mua trường".

Ông Quân cho rằng, cá nhân hay tập đoàn nào sở hữu các trường đại học không phải là vấn đề quan trọng nhất. Bất kỳ nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước nếu đầu tư vào các trường đại học đều được hoan nghênh, nhưng điều quan trọng nhất là khi đầu tư vào rồi họ làm thế nào, có bảo đảm được chất lượng, có trách nhiệm với trường hay không

"Vấn đề ở đây là ông chủ của những trường này có chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào mà không quan tâm tới chất lượng hay không. Do vậy khi họ đầu tư vào thì xem xét họ xây dựng trường thế nào, tổ chức ra sao, còn trong quá trình chuyển đổi có thể có chuyển này chuyện kia nhưng phải xem xét đích cuối cùng là chất lượng ra sao"- ông Quân nói.

Một tiến sĩ có kinh nghiệm trong đại học ngoài công lập cho rằng bà không có gì ngạc nhiên khi việc mua bán, sáp nhập diễn ra rầm rộ. "Theo quan sát của tôi kể từ sau khi Trường ĐH Phan Châu Trinh và Trường ĐH Hoa Sen "chết" thì không còn khái niệm trường tư không vì lợi nhuận nữa. Việc trường tư không vì lợi nhuận nữa được coi như một cơ sở kinh doanh đã trở thành thực tế. Như vậy, khi trở thành một cơ sở kinh doanh thì việc mua bán, sáp nhập là chuyện bình thường. Những tập đoàn sẽ "xông" vào lĩnh vực kinh doanh với sức mạnh tài chính và quyền lực sẽ đủ quyền năng thâu tóm các trường có sẵn"- bà nói.

Theo bà, hiện tại và trong tương lai giáo dục ngoài công lập sẽ trở thành cuộc chơi của các tập đoàn lớn. Đây là điều nguy hiểm bởi muốn có đại học chính nghĩa thì phải có người hiểu đại học, nhưng lực lượng để làm đại học hoặc là rời bỏ cuộc chơi hoặc ở lại để sống qua ngày bởi họ không có quyền hành gì.

Còn một trưởng phòng đào tạo ở phía Nam cho hay, hiện nay giáo dục chất lượng cao đang là nhu cầu chính đáng của phần lớn người dân Việt Nam, vì vậy nhu cầu mở các cơ sở giáo dục đang rất lớn, đặc biệt khi các tập đoàn lớn có mối liên kết với nhau trong vấn đề về nhân lực.

"Việc một số tập đoàn có thế mạnh về giáo dục tập trung đầu tư cho giáo dục, trong khi "quota" mở các cơ sở đào tạo đại học ở các thành phố lớn không còn nữa thì việc "thâu tóm" diễn ra là hiển nhiên"- ông nói.

Ngoài lý do trên, theo ông những tập đoàn giáo dục lớn muốn chiếm lĩnh thị trường thì cần có nhiều sản phẩm cho nhiều phân khúc nên họ cần tập hợp nhiều trường để tạo nhiều sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Ngoài ra với những chính sách ngày một mở cửa, dân số đông, kinh tế phát triển nên các tập đoàn giáo dục cũng đón đầu xu thế để có thể phát triển mạnh mẽ hơn và dần hướng đến xuất khẩu giáo dục.

Lê Huyền

 

Comments