Năm 2018 cần 59.000 giáo viên cho các tỉnh thành
- Sáng 27/4, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2018. Trong đó, các vấn đề về tuyển sinh ngành Sư phạm được đặt ra nhiều nhất.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - trả lời các thắc mắc về vấn đề tuyển sinh ngành Sư phạm năm nay. Ảnh: Thanh Hùng |
'Không quan ngại việc nguyện vọng 1 ngành Sư phạm giảm 27%'
Năm 2018, tổng số chỉ tiêu dành cho khối ngành Sư phạm là 35.590 chỉ tiêu – giảm 38% so với chỉ tiêu năm 2017.
Tổng số nguyện vọng (NV) đăng ký vào khối ngành Sư phạm là hơn 125.000, trong đó số NV1 là 43.069 – giảm 26,9% so với năm trước.
Trả lời về căn cứ để xác định chỉ tiêu giao cho từng trường sư phạm năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, trước khi tính toán chỉ tiêu, Bộ đã thực hiện khảo sát, thống kê về nhu cầu sử dụng giáo viên trong 5 năm tới của tất cả tỉnh thành theo từng cấp học và môn học.
Bên cạnh khảo sát chính thức của Bộ, cuối năm 2017, Bộ cũng triển khai một số đề tài nghiên cứu khảo sát cụ thể về các đối tượng: sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm trong 2 năm qua đã chuyển sang ngành nghề khác hay đang chờ cơ hội và đối tượng đã làm nghề khác có sẵn sàng quay lại khi có cơ hội hay không.
"Tuyển sinh năm 2018 nhìn chung sẽ nhìn vào nhu cầu của năm 2021 với bậc cao đẳng và năm 2022 với bậc đại học. Theo tính toán của chúng tôi, năm 2018 sẽ cần tuyển khoảng 59 nghìn giáo viên để đáp ứng cho các tỉnh thành. Về cơ bản, số sinh viên sư phạm chưa có việc làm và số sinh viên sẽ tốt nghiệp năm 2018, 2019 chưa có việc làm ngay là khoảng hơn 40 ngàn. Khoảng 50% trong số đó vẫn chờ cơ hội để vào ngành sư phạm, hoặc sẵn sàng bỏ công việc đang làm để quay lại ngành được đào tạo nếu có cơ hội" – bà Phụng đưa số liệu.
Từ những số liệu này, Bộ đưa ra con số 35-36 ngàn chỉ tiêu cho các ngành sư phạm năm nay. Như vậy, theo bà Phụng, căn cứ để đưa ra số chỉ tiêu dựa trên nhu cầu giáo viên của 63 tỉnh thành, đã trừ đi số sinh viên sư phạm tốt nghiệp mà chưa có việc làm hoặc đã chuyển sang ngành nghề khác nhưng sẵn sàng quay trở lại ngành đã được đào tạo.
Khối ngành Sư phạm không nằm trong những khối ngành thu hút thí sinh nhất. Đồ hòa: Nguyễn Thảo |
Về con số NV1 đăng ký vào khối ngành Sư phạm giảm gần 27%, bà Phụng cho biết, chỉ tiêu năm nay so sánh với năm trước giảm 38% nhưng NV1 chỉ giảm 27%, như vậy cho thấy nguồn tuyển xét trên chỉ tiêu còn cao hơn năm ngoái.
"Con số này chúng tôi không quá quan ngại, thậm chí còn hi vọng rằng với tuyên bố về chính sách nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm mà NV1 vẫn đạt con số như vậy thì có nhiều hi vọng rằng đó sẽ là những người thực sự yêu nghề và tự lượng sức mình sẽ đáp ứng được yêu cầu cao của chất lượng đầu vào" – bà Phụng chia sẻ.
Nhiều nhà báo thắc mắc về vấn đề: tinh thần của NQ29 và dự thảo Luật Giáo dục đại học là tăng chuẩn trình độ giáo viên, nhưng tổng chỉ tiêu dành cho các trường trung cấp vẫn là hơn 5.000 chỉ tiêu. Câu hỏi đặt ra là khi đưa ra chỉ tiêu này, Bộ có tính đến số phận của học viên sau khi ra trường không. Bà Phụng lý giải: "Khi khảo sát, chúng tôi thấy ở hầu hết các tỉnh thành đều đang thiếu nhiều giáo viên mầm non. Chỉ tiêu 5.000 dành cho các trường trung cấp sư phạm là dựa trên nhu cầu cấp thiết của các địa phương. Họ muốn đào tạo ngắn nhất để sử dụng nhân lực ngay".
Bộ GD-ĐT cũng đã tính tới lộ trình nâng chuẩn giáo viên, với khoảng thời gian từ 5-6 năm. "Chúng ta phải giải quyết đồng thời 2 mục tiêu: đáp ứng số giáo viên cho những môn học còn thiếu và nâng chuẩn trình độ giáo viên".
Sẽ cho dừng tuyển sinh các trường sai phạm
Trong 2 năm gần đây, 5 tổ hợp truyền thống thường chiếm tới 90% tổng số NV của thí sinh. Đồ họa: Nguyễn Thảo |
Trả lời về việc một số trường đưa ra những tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo, hay đưa ra mức điểm đầu vào thấp, Bộ sẽ có biện pháp xử lý như thế nào, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng:
"Đó là mặt trái của tự chủ đại học. Chúng ta cần phải nhìn ra và cùng nhau khắc phục. Với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ tin tưởng rằng đa số các trường đi theo chính sách chất lượng bền vững, nhưng cũng có một số trường vì khó khăn nên phải cứu tình thế trước mắt. Điều đó không thể tránh khỏi nhưng con số này không nhiều".
Cách xử lý của Bộ là trực tiếp trao đổi với các trường, và cho đến nay, những trường hợp mà Bộ đã trao đổi đều đồng ý là sẽ điều chỉnh đề án tuyển sinh của mình cho phù hợp. Bà Phụng cho rằng, đây vẫn là một cách làm hiệu quả. Đồng thời, những trường này sẽ là đối tượng để Bộ thanh tra, kiểm tra trong suốt quá trình, không chỉ là tuyển sinh, mà còn là quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra, tỷ lệ sinh viên có việc làm…
Tương tự như vậy, với các trường thực hiện xét tuyển học bạ ngành sư phạm nhưng trong đề án tuyển sinh không hề đưa ra yêu cầu thí sinh phải đạt học lực Khá với bậc cao đẳng, học lực giỏi với bậc đại học theo quy chế, bà Phụng cho biết, Bộ sẽ trao đổi và đề nghị các trường điều chỉnh.
"Bộ cũng nhất trí với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải xử lý nghiêm và cho dừng tuyển sinh đối với những cơ sở đào tạo cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp, thậm chí chỉ nhằm mục đích tăng số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng, yêu cầu đào tạo".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các thí sinh cũng không "mặn mà" với các tổ hợp mới. Trong 2 năm gần đây, 5 tổ hợp truyền thống thường chiếm tới 90% tổng số NV của thí sinh.
"Tôi tin rằng, các trường cũng nhìn nhận được rằng nếu họ cố tình làm vây sẽ bị ghi vào danh sách yếu kém, không được xã hội tin cậy, dẫn đến học sinh cũng sẽ không lựa chọn các trường đó. Bởi vì giá trị bằng cấp của các em phụ thuộc vào uy tín của nhà trường" – bà Phụng khẳng định.
Nguyễn Thảo – Thanh Hùng
Comments
Post a Comment