Một thí sinh đăng ký 50 nguyện vọng xét tuyển đại học 2018
Năm 2018, hơn 688.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm, tăng 7,5% so với năm trước. Phần lớn dùng 3 nguyện vọng để xét tuyển. "Một thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhất là 50", Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
Quy chế tuyển sinh đại học 2018 cho phép thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất).
Tuy nhiên, bà Phụng nhấn mạnh, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Phần lớn trường, trong phương án tuyển sinh đều lấy điểm từ cao xuống thấp để chọn sinh viên, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Do đó, khi đăng ký, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng, để được tuyển vào ngành học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân nhất.
Phần lớn thí sinh đăng ký 3 nguyện vọng để xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: Quý Đoàn. |
Năm 2018, khối ngành Kinh doanh và quản lý (khối III) có số nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với hơn 832.000. Khối (VII) Dịch vụ - An ninh quốc phòng đứng thứ hai với hơn 783.000 nguyện vọng.
Về tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển, Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, khoảng 90% tổng số nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh cả nước (2,75 triệu nguyện vọng) là sử dụng tổ hợp khối thi truyền thống: A, B, C, D1, A1. Trong đó, hơn 30% số nguyện vọng sử dụng tổ hợp khối A (Toán - Lý - Hóa); 27% là tổ hợp khối D1 (Toán - Ngữ văn - tiếng Anh).
"Thực tế cho thấy, thí sinh không mặn mà với các tổ hợp mới. Do đó, việc đưa ra những tổ hợp lạ, không phải là cứu cánh, thu hút nguồn tuyển cho các trường", Vụ trưởng Giáo dục Đại học nói. Bà nhắc chuyện thời gian vừa qua một số trường sử dụng tổ hợp lạ để xét tuyển , như dùng khối C để tuyển sinh vào ngành kỹ thuật, kinh tế; khối A vào ngành Văn học. Sau khi Bộ Giáo dục và Thủ tướng có ý kiến, đến ngày 27/4, hầu hết trường đã thay đổi phương án tuyển sinh, để tổ hợp gắn với yêu cầu đào tạo.
Các mốc quan trọng thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Đồ họa: Tạ Lư - Dương Tâm |
Từ năm 2018, các trường đại học (trừ khối ngành sư phạm) được trao quyền tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Vụ trưởng Giáo dục Đại học đánh giá, sẽ chỉ "đếm trên đầu ngón tay" những trường đưa ra ngưỡng điểm sàn thấp. Lý do là đa số trường chú trọng chất lượng đầu vào để có được sinh viên tốt, đảm bảo chất lượng đầu ra.
Điểm sàn cụ thể của các đại học dự kiến được công bố sau khi có kết quả, phổ điểm thi THPT quốc gia và trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (từ ngày 19/7).
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, hơn 237.000 em chỉ xét tốt nghiệp THPT, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là hơn 688.000. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 25/6 đến 27/6. Mỗi tỉnh thành sẽ có một cụm thi, do Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với các đại học. |
Comments
Post a Comment